VĂN CHƯƠNG VÀ SỰ SỐNG

Nhà văn Macxim Gorki từng nói: “Văn học là nấc thang giúp tôi từ con thú đến gần hơn với con người”. Thật vậy, mỗi tác phẩm văn học như nguồn nước mát lành nuôi dưỡng những tình cảm cao đẹp trong con người khiến cho con người sống nhân ái, khoan dung hơn. Và trong mỗi tác phẩm văn học của mình, nhà văn đã phản ánh hiện thực cuộc sống vào đó khiến văn chương trở nên gần gũi với con người. Vì thế, văn học như cánh diều mà sợi dây diều bám chặt vào cuộc đời không đứt. Mỗi lần lật giở từng trang văn, mỗi chúng ta như được sống trọn vẹn với nhân vật và những tình huống xảy ra với nhân vật đó, chúng ta như được hóa thân, đắm mình vào hoàn cảnh của nhân vật để rút thêm kinhìnghiệm cho chính mình, bởi thế nhà văn là những con người có con mắt tinh đời, có tài năng nghệ thuật phải biết quan sát, chọn lọc để sáng tạo ra những tác phẩm bất hủ, nhà văn còn phải trải đời có nhiều kinh nghiệm sống dồi dào thì mới có thể xâm nhập thực tế, nắm bắt và phát hiện những chi tiết cô đúc sâu sắc trong đời thực thì mới có thể đưa vào tác phẩm. Từ những thực tế trải nghiệm của bản thân, nhà văn Pháp Banzac đã từng nhận định: “Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại”.

Mỗi thời đại, mỗi xã hội đều có những sự thay đổi mang tính lịch sử chuyển mình, nhà văn hơn những người bình thường là có tài năng nắm bắt lấy những sự thay đổi ấy trong xã hội, nhưng nhà văn không phải ghi chép một cách tỉ mỉ, tường tận những sự kiện, những hiện tượng xảy ra như ghi chép của những sử gia, mà bằng trải nghiệm sống của bản thân, bằng sự tiếp xúc với cuộc đời với con người hàng ngày nhà văn tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bằng chất liệu chính là ngôn từ. Mỗi nhà văn phải là một người nghệ sĩ về chữ nghĩa để tạo nên những trang văn, trang đời cho mọi người cùng thưởng thức. Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại bởi trong tác phẩm của mình nhà văn tạo nên những hình tượng nghệ thuật, những nhân vật điển hình đại diện cho một tầng lớp một giai cấp trong xã hội, nhân vật ấy chịu sự chi phối của xã hội, chính vì thế có thể nói rằng sự biến đổi của xã hội một phần tác động đến nhân vật được nhà văn tái tạo nên. Người thư ký trung thành của thời đại còn phải là người biết xây dựng những chi tiết văn học đắt giá để tạo nên sức hút cho tác phẩm của mình bên cạnh việc tái tạo hình tượng nhân vật. Từ nhân vật, chi tiết truyện nhà văn gửi đến người đọc những thông điệp, chủ đề của tác phẩm để người đọc có thể tự rút ra thành bài học cho chính mình. Đến với những trang văn của Ngô Tất Tố – một nhà văn chuyên viết về đề tài người nông dân khai thác ở khía cạnh cùng cực khốn khổ của đời sống nhân dân người ta không thể nào quên nhân vật chị Dậu đáng thương vì sưu thuế của chồng mà chị phải bán con bán chó. Người ta nhìn thấy đằng sau sự khổ cực ấy của chị Dậu là sự kìm nén khôn nguôi bản lĩnh của người nông dân sẵn sàng vùng dậy bất cứ lúc nào để giành lấy sự sống giành lấy quyền tự do, hình ảnh chị Dậu đánh mấy tên lính lệ đã cho thấy được điều đó, Ngô Tất Tố không chỉ tập trung miêu tả nạn sưu thuế trong xã hội thực dân nửa phong kiến thời xưa mà tác giả còn nhìn thấy sức sống tiềm tàng tức nước vỡ bờ của những người nông dân sẵn sàng vùng lên khi có cơ hội, khi nỗi đau bị đẩy lên đến tận cùng. Với tác phẩm này Ngô Tất Tố đã đánh dấu bước ngoặt mới trong sự nghiệp văn chương của mình để độc giả có thể nhớ đên ông với những tác phẩm đậm chất hiện thưc về một thời kì đen tối gian khổ của dân tộc. Có thể khẳng định một điều Ngô Tất Tố đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh người thư ký trung thành của thời đại. Khi nhắc đến nhà văn Kim Lân người đọc thường nhớ đến ông với những tác phẩm độc đáo mà thần mượn tay người viết, đó là Làng với nhân vật ông Hai luôn đâu đáu nỗi nhớ ngôi làng của mình và nỗi hoài nghi liệu làng của mình có đi theo giặc hay không, và kết thúc câu chuyện khiến chúng ta vỡ òa cùng nhân vật khi ông Hai biết rằng làng của ông không những không theo giặc mà còn đóng góp, cống hiến cho cách mạng. Bên cạnh tác phẩm làng đắc sắc ấy, người ta không thể nào quên được tác phẩm Vợ nhặt được xem là một trong những tác phẩm văn học kinh điển trong văn học Việt Nam khi viết về nạn đói năm Ất Dậu và những con người tồn tại trong nạn đói ấy. Cái đám tang không lồ ấy đã được nhà văn xây dựng qua những hình ảnh thật thê thảm: “Người chết như ngả rạ, không, không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thồi của rác rưởi và mùi gây của xác người …” đó là những hình ảnh thật đáng sợ, phản ánh một thời kì lịch sử đen tối của dân tộc nhà văn đã miêu tả thật đắt những hình ảnh như những cuốn phim tư liệu quan trọng đưa người xem trở lại với không khí ghê rợn năm 1945. Nhà văn Kim Lân còn phát hiện ở khía cạnh khác của nạn đói ấy là tình người tỏa sáng trên cái nền tăm tối của chết chóc đói khát. Anh cu Tràng nghèo khổ xấu xí và thô kệch nhưng là người giàu tình yêu thương, anh đã cưu mang cứu vớt người vợ nhặt để thị có được một mái ấm gia đình, để thị được sống được yêu thương và được làm một người vợ dịu dàng hiện thục. Vợ nhặt để lại cho người đọc những ấn tượng khó quên với bút lực dồi dào của tác giả.

Văn học từ sau năm 1945 đã có sự thay đổi rõ rệt so với năm 1945, cuộc kháng chiến chống Mĩ đã khiến cho những người nghệ sĩ đi sâu phân tích vào những sự kiện trong đại của đất nước, đặc biệt xoáy sâu vào những con người anh hùng có sứ mệnh bảo vệ cho tổ quốc. Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là một tác phẩm như thế, tác phẩm đã đề cao vẻ đẹp anh hùng, ca ngợi chất cương trực thẳng thắn, và sự dũng cảm của những con người Nam bộ yêu nước mà tiêu biểu là hai nhân vật Việt và Chiến. Ở nhân Việt người đọc nhận thấy nét tinh nghịch hồn nhiên nhưng ẩn chứa sự dũng cảm với lòng căm thù quân giặc vô cùng sâu sắc, mối thù của cha mẹ đã trở thành động lực để anh trở thành người chiến sĩ gan dạ. Ở Chiến- chị Việt độc giả nhìn thấy một tâm hồn dịu dàng mơ mộng nhưng lại bao la tấm lòng lo toan chu toàn việc nhà việc nước, hai nhân vật này đã trở thành những con người anh hùng đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ khốc liệt. Trong tác phẩm tác giả đã xây dựng những chi tiết vô cùng đặc sắc và gây ấn tượng với người đọc đó là hình ảnh những dòng sông chảy về một hướng ngụ ý chỉ sự tiếp nối của nhiều thế hệ miền Nam trong cuộc kháng chiến thần thánh đồng thời khiến người đọc liên tưởng đến truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của thế hệ trẻ miền Nam , chi tiết tiếp theo là chi tiết về cuốn sổ ghi chép những cái chết của người thân Việt và Chiến cuốn sổ như lời nguyền nhắc nhở hai chị em không được quên những tội ác của giặc Mĩ đã gây ra cho gia đình hai người và hai người phải sống và chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước bảo vệ cho quê hương dòng họ. Và thật sự để tạo nên những trang viết sống động và đầy sức cuốn hút như trên ngoài việc am hiểu những phong tục tập quán người dân Nam bộ qua việc sử dụng từ ngữ đậm chất Nam Bộ, thì nhà văn Nguyễn Thi phải là người thấu hiểu hơn ai hết tính cách của con người Nam Bộ thẳng thắn, cương trực nên mới có thể tạo nên những trang văn đi sâu vào lòng người như thế. Trải qua các thời kì văn học đã có sự chuyển biến không ngừng và đặc biệt bám sát thực tế đời sống làm tròn nhiệm vụ phản ánh thực tế cuộc sống, nhưng văn học phản ảnh không chỉ để phản ảnh mà hơn hết là đúc rút những thông điệp gửi đến người đọc qua từng thời kì, điều đó đòi hỏi nhà văn phải công phu xây dựng những tác phẩm văn học đặc sắc với những câu chuyện hấp dẫn, những nhân vật độc đáo, những tình tiết chi tiết truyện li kì lôi cuốn người đọc thì mới có thể làm tròn bổn phận của mình. Nếu trong chiến tranh nhà văn là những người đầu tiên đi tiên phong sáng tác những câu chuyện để khích lệ động viên kêu gọi mọi người chung sức, chung lòng chiến đẩu để bảo vệ quê hương đất nước thì sau chiến tranh nhà văn cũng là một trong những người đầu tiên phát hiện ra những nguy cơ tiềm ẩn của cuộc sống sau khi chiến tranh kết thúc. Nguyễn Minh Châu là nhà văn chuyên phát hiện những hạt ngọc vùi lấp ẩn giấu giữa đời thường, có lẽ không có những khoảnh khắc cuộc đời nào có thể qua mặt được khả năng quan sát tài tình của tác giả. Chiếc thuyền ngoài xa là một câu chuyện như vậy, nhân vật Phùng được lệnh cấp trên chụp những bức ảnh đẹp để chuẩn bị cho dịp tết, Phùng đã bắt chộp được khoảnh khắc trời cho khi anh đã nhìn thấy hình ảnh rất nên thơ đó là chiếc thuyền ngoài xa ẩn hiện trong lớp sương hồng rất đẹp, rất lung linh, bị choáng ngợp bởi khoảnh khắc nghệ thuật ấy, Phùng nhanh chóng bị kéo về hiện thực khi chứng kiến cảnh một người chồng vũ phu với vợ, quan trọng hơn người vợ ấy không chống trả mà còn nhẫn nhịn những trận đòn từ chồng. Khắc họa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm đến người đọc một thông điệp giản dị: nghệ thuật phải gắn liền với cuộc đời không thể tách rời khỏi cuộc đời, quan niệm này của tác giả đồng quan niệm với nhà văn Nam Cao tác giả đã có một tuyên ngôn độc lập thật rõ ràng: “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối mà chỉ có thể là tiếng thét đau đớn thoát ra từ những kiếp lầm than”. Từ sự vũ phu của người chồng đối với vợ, Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra cho người đọc thấy khía cạnh khác của cuộc sống. Khi hòa bình lập lại, điều mà người dân phải đối mặt không phải là chiến tranh khắc nghiệt mà là nạn bạo hành gia đình là miếng cơn manh áo để có được một cuộc đời đầy đủ, sung túc và tác giả đã nhạy bén khi đưa vấn đề đó trở thành vấn đề nổi cộm trong giai đoạn văn học sau năm 1975, phải chăng đó là một phát hiện vô cùng tinh tế?

Văn học đã mang trong nó những chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ và mỗi nhà văn phải có nhiệm vụ lồng ghép những chức năng đó vào trong tác phẩm văn học để văn chương trở nên gần gũi với con người. Do đó nhà văn phải là người thư ký trung thành của thời đại, là người đi sâu sát thực tế cuộc sống và bật mở những vẻ đẹp ẩn chứa trong cuộc đời còn nhiều bề bộn ngổn ngang. Nhà văn không sao chép y nguyên cuộc sống mà phải gạn lọc những gì tiêu biểu để đưa vào tác phẩm văn học để từ đó khơi gợi ở người đọc sự tò mò, hứng thú. Làm được như thế nhà văn thật sự đã thực hiện được trọn vẹn sứ mệnh của mình.

(Tác giả: một cô giáo của ekip Sách Văn 24h). Cảm ơn cô đã chia sẻ một bài viết rất sâu sắc.

 

 

Tin Liên Quan