Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục

Giá bán: 68.000đ

NXB

Giáo dục Việt Nam

Tác giả

Hồ Ngọc Đại

Ngày 12-9, giữa thời điểm sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục bị hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng đầu, Giáo sư Hồ Ngọc Đại trao đổi về cuốn sách “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” vừa ra mắt.

Cuốn sách khổ nhỏ 11×18, chưa đầy 200 trang được Giáo sư Hồ Ngọc Đại coi là “di ngôn” của ông về sách giáo khoa đổi mới giáo dục mà ông chắt lọc từ cả đời nghiên cứu và thực nghiệm theo một phương pháp tiếp cận hiện đại với học sinh tiểu học.

Trong cuốn “di ngôn” này, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng xã hội thế kỷ 21 là xã hội của phạm trù cá nhân. Vì thế triết lý giáo dục của thời đại này phải là “triết lý hợp tác”.

Giáo sư Đại nhắc lại triết lý “phục tùng” của Khổng Tử trong một xã hội của phạm trù đẳng cấp, tận trung với bề trên, triết lý “đấu tranh” của Marx trong xã hội của phạm trù giai cấp, với các giai cấp đối kháng.

Với triết lý này, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng giáo dục là “quá trình chuyển vào trong”, trẻ em phải tự làm lấy, làm theo một quy trình có thể tổ chức và kiểm soát được. Và giải pháp sư phạm để đạt được điều này là “thầy thiết kế, giao việc, trò thực hiện, tự làm ra sản phẩm giáo dục, lấy năng lực cấp cho cá nhân mình để tạo ra sự phát triển của chính mình, trở thành chính mình”.