PGS Nguyễn Kế Hào: Tôi từ chức vụ trưởng vì bất đồng quan điểm làm SGK

PGS.TS Nguyễn Kế Hào nói sau khi từ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, ông là nhà khoa học, được nói lên quan điểm của mình về làm sách giáo khoa (SGK).

Sau khi sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại bị thẩm định không đạt, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào – Trung tâm Công nghệ Giáo dục – đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ trưởng GD&ĐT.

Nói về công văn trả lời của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 25/9, ông Hào cho rằng “chưa thỏa đáng” và “có cũng như không”. Ông cho biết tiếp tục gửi kiến nghị lên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại.

“Giọt nước tràn ly”

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào từng xin thôi chức vụ trưởng vì bất đồng quan điểm trong khi làm sách vào thời điểm năm 2001.

Cụ thể, cuối năm 2001, Bộ trưởng GD&ĐT khi đó là ông Nguyễn Minh Hiển đã ký quyết định cho PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào thôi giữ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, chuyển về làm công tác chuyên môn tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Trước đó, ông Nguyễn Kế Hào có đơn xin từ chức do bất đồng quan điểm trong xây dựng, triển khai chương trình tiểu học năm 2000.

Ngoài ra, ông cho rằng chính sách hướng tới “một chương trình thống nhất” thì những người làm sách lại cố tình hiểu “một chương trình duy nhất”. Báo chí khi đó viết việc ông từ chức là “giọt nước làm tràn ly”. Điều đó đúng vì bấy giờ Bộ trưởng GD&ĐT điều động hầu hết thành viên Vụ Giáo dục Tiểu học làm tác giả SGK chương trình tiểu học 2000, trong đó có ông.PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho hay lúc đó là chương trình tiểu học năm 2000, thay SGK năm 2002. Ông từ chức vì không tán thành cách làm gấp gáp, chưa chuẩn bị tốt đã triển khai sách.

Đó là quyết định có tính pháp lý, đặt ông vào thế chỉ có hai cách lựa chọn, hoặc chấp hành sự phân công của bộ, đứng tên tác giả SGK, hoặc không chấp nhận sự ép buộc đó. Ông đã chọn cách thứ hai và viết đơn xin từ chức.

PGS Hào cho rằng mình làm vụ trưởng mà tham gia viết sách thì “vừa đá bóng vừa thổi còi”, đó là việc làm “khó hiểu”.

“Sau khi từ chức, tôi là người dân, nghiên cứu khoa học, được nói lên quan điểm của mình. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm từng nói sách của GS Đại nên được thẩm định theo cách khác. Có nghĩa là không nên đòi hỏi tất cả bộ sách giáo khoa đều phải được biên soạn giống nhau đến từng nội dung, chi tiết. Nếu thẩm định theo cách như vậy, những bộ sách được thông qua của một môn học sẽ trở thành những biến thể của một bộ sách”, PGS.TS Nguyễn Kế Hào nói.

Sách của GS Hồ Ngọc Đại “đã đi vào cuộc sống”

PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho hay sách của GS Đại được đưa vào thực tiễn suốt 40 năm qua, trải qua nhiều lần thẩm định, đã có sửa đổi và ngày càng hoàn thiện.

Bộ sách không cũ như kiểu sách theo chương trình tiểu học năm 2000 hay cải cách năm 2002. Nó là cái hình thành mới, đến nay vẫn mang triết lý, quan điểm, mục tiêu phù hợp định hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học như chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra.

Ông lấy ví dụ triết lý “học sinh là trung tâm” của GS Hồ Ngọc Đại từng bị phản đối những năm 80 nhưng hiện tại được phổ biến. Câu nói “đi học là hạnh phúc”, “mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui” giờ cũng đã thành khẩu hiệu trong các trường. Việc học chú trọng ngoại ngữ ở cấp tiểu học, hai buổi/ngày đều đến từ trường Thực nghiệm.

Sách Công nghệ Giáo dục đã đi vào thực tiễn, có sức sống, hiệu quả được chứng minh. Về mặt khoa học, sách đã được nghiệm thu, đánh giá nhiều lần.

Năm 1990, Hội đồng quốc gia nghiệm thu, đề nghị Bộ GD&ĐT cho triển khai ở những nơi có điều kiện. Năm 1994, đề án chuyển giao Công nghệ Giáo dục cũng đã được đánh giá.

Thậm chí, năm 2017 và 2018, Bộ GD&ĐT thành lập 2 hội đồng quốc gia để thẩm định lại, sau đó vẫn công nhận và cho triển khai. Trong suốt 40 năm triển khai, GS Hồ Ngọc Đại đã sửa nhiều lần và dần hoàn thiện sách để trở thành chính thống nên không thấy phải sửa chữa nữa.

PGS Nguyễn Kế Hào nói sách đã được gần một triệu học sinh lựa chọn, được dạy ở gần 50 tỉnh thành khác nhau. Việc sách được đánh giá khó hay dễ phải do người học tiếp nhận.

“Bài tập đọc trong sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục là ‘Nam quốc sơn hà’ được đánh giá khó nhưng sách phân theo trình độ, học sinh chỉ đọc nửa bài vẫn đạt mục tiêu. Sách không bắt học sinh phải hiểu ngay mà sau này hiểu cũng được vì nếu hiểu hết thì đi học làm gì. Học sinh đọc và dần thành hồn dân tộc, hiểu đất nước là máu thịt của mình”, ông Hào nêu quan điểm.

Sách Công nghệ Giáo dục có phần phát triển hơn, nhưng không bắt buộc học sinh nào cũng phải đáp ứng được mà phân hóa rõ ràng. Qua mỗi năm, Trung tâm Công nghệ Giáo dục đều khảo sát, nhiều thầy cô, học sinh hạnh phúc với chương trình này.

Tin Liên Quan