“CÁI ĐẸP CỨU RỖI THẾ GIỚI”

Đoxtoiepxki từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”.  Câu nói ấy cho thấy được thiên chức cao cả của văn học là đem cái đẹp vào tâm hồn của con người, cứu vớt những đau khổ hàng ngày, thường trực của con người như Nguyễn Minh Châu – một nhà văn tài năng tâm huyết đã từng tâm sự với nghề văn: Nhà văn phải phát hiện ra cái đẹp khuất lấp như truy tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người, còn nhà văn Thạch Lam – một cây bút chủ chốt của nhóm bút Tự Lực Văn Đoàn đã phát biểu đại ý: Cái đẹp len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở những vật tầm thường, công việc của nhà văn là làm cho cái đẹp được nổi hình, nổi khối, thấm sâu vào tâm hồn người đọc, và sau này trong quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của mình Thạch Lam đã đúc rút ra kinh nghiệm: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.

Cái đẹp là một phạm trù mĩ học, nói văn học tức là nói đến cái đẹp, vẻ đẹp ấy toát lên từ ngôn ngữ, từ giọng điệu, từ các chi tiết của tác phẩm văn học, nếu hội họa khiến người ta say đắm trước vẻ đẹp của những đường nét, sức hấp dẫn của màu sắc, âm nhạc đi vào lòng người bởi sự tinh tế của những nốt nhạc, ca từ thì văn chương quyến rũ lòng người bởi hình tượng nghệ thuật bởi những thông điệp cao cả ẩn tàng đằng sau cốt truyện, hình ảnh, nhân vật. Người ta làm sao có thể quên được thông điệp nhân văn được đúc kết từ tác phẩm Những người khốn khổ, trong tác phẩm ấy người ta bắt gặp tình thương, sự nhân đạo toát lên từ trái tim lương thiện, cao cả của Giăng văn Giăng, con người ấy bằng niềm tin chân thật của mình vào cuộc đời vào đạo lý đã cứu vớt những tâm hồn khốn khổ như Phăng tin, Cô dét, chính sức mạnh của tình thương tình người tha thiết là động lực thúc đẩy Victo Huygo sáng tác ra những tác phẩm bất hủ được mệnh danh là kinh thánh của loài người. Cái đẹp của tình người tình đời tha thiết đã nâng đỡ, thúc đẩy con người sống lương thiện, mở hồn mình ra đón lấy những vang động của đời. Người ta sau này mãi mãi sẽ không bao giờ quên câu chuyện cổ tích Cô bé Lọ Lem với hình ảnh nàng Lọ Lem hiền lành chăm chỉ nhưng phải chịu biết bao nỗi cay đắng, tủi cực từ sự ghẻ lạnh của dì ghẻ, từ đó gieo vào người đọc niềm tin vào cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, cái xấu xa cái bất hạnh. Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, đó là cái đẹp bình dị đời thường, nhưng phải cao cả bởi nói đến cái đẹp là cái cao cả, có khi nhà văn miêu tả những cái xấu xí, gồ ghề của sự vật của cuộc đời nhưng mục đích cuối cùng mà tác giả hướng đến chính là làm nổi bật cái đẹp, cái cao cả. Làm sao người ta có thể ngờ rằng đằng sau hình ảnh thằng gù nhà thơ đức bà Paris xấu xí dở người là một trái tim nhân hậu khát khao yêu thương và được yêu thương, đằng sau một Chí Phèo được mệnh danh là con quỷ dữ của làng Vũ Đại là một trái tim lương thiện luôn hướng về những điều bình dị trong cuộc sống, trái tim ấy khao khát từng ngày sẽ được sống một cuộc đời giàu tình yêu thương được người khác gắn bó và chia sẻ. Và làm sao người ta có thể quên một Thị Nở xấu xí nhưng đã dám đứng tách ra khỏi làng Vũ Đại để đi về phía Chí Phèo trao gửi tình yêu thương của mình cho Chí. Sau khi người ta gấp lại nhưng trang sách của Nam Cao người ta mới thấu hiểu những nỗi dằn vặt trăn trở của chính tác giả, Nam Cao đã đem đến cho người đọc những trang văn những trang đời thức tỉnh lương tri, hướng con người phát hiện cái đẹp ở những con người nhìn bên ngoài có thể dị hợm lạc loài, nhưng ẩn chứa bên trong một trái tim sâu thẳm tràn ngập tình yêu cuộc sống. Thưởng thức cái đẹp trong văn chương đòi hỏi con người phải có kiến thức lý luận chắc chắn phải thấu hiểu những thông điệp ngầm trong tác phẩm văn học mà nhà văn gửi gắm. Tây Tiến là một trong những bài thơ để đời của nhà thơ Quang Dũng, trong thi phẩm ấy, tác giả đã xây dựng hình ảnh những người lính Tây Tiến lãng mạn mộng mơ, nhưng vô cùng yêu đời yêu cuộc sống, các anh đến với cuộc đời này bằng một trái tim nồng cháy, mãnh liệt với khát khao được cống hiến, được đóng góp cho đất nước dân tộc khi tất cả đang chìm trong chiến tranh, biển lửa. Dù gặp phải khó khăn những người lính Tây Tiến ấy vẫn không lùi bước, ta vẫn nghe vang vọng đâu đây những âm thanh hào hùng của cuộc hành quân hùng tráng: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá giữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Aó bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Họ những người lính Tây Tiến tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng trong trái tim của những con người ấy mang sức mạnh của hào khí non sông với mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc cho dân tộc, vượt qua những gian khó những đau thương họ vẫn sống và chiến đấu bằng trái tim yêu đời, bằng tình yêu mãnh liệt đối với non sông, đất nước.

Quang Dũng đã rất tinh tế khi phát hiện ở những người lính Tây Tiến vẻ đẹp lãng mạn, mộng mơ, yêu đời. Trong thơ cái đẹp rất dễ hiện hình nhưng để cảm được cái đẹp ấy, nhà thơ phải là người cho máu, nhà thơ phải trau chuốt ngôn từ của mình, chưng cất những cảm xúc những tư tưởng lớn lao để đủ sức giãi bày bằng ngôn từ khiến trái tim người đọc xao xuyến, rung động. Ta có thể nào quên được những tiếng thơ nổi bật trong phong trào thơ mới đó là tiếng thơ của một Xuân Diệu rạo rực, dạt dào nguồn yêu mến cuộc sống, là tiếng thơ ảo não của Huy Cận, tiếng thơ hùng tráng của Huy Thông hay tiếng thơ kì dị của Hàn Mặc Tử… mỗi tiếng thơ có vẻ đẹp riêng có âm điệu riêng để hấp dẫn người đọc khiến người đọc thêm yêu thơ, cảm thơ , có khi là những tiếng thơ bi quan sầu não nhưng lại chất chứa nỗi lo lắng về xã hội về con người. Ta hãy xem những câu thơ của Chế Lan Viên: Hãy cho tôi một tinh cầu lạnh giá/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa/ Để nơi ấy thắng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền đau khổ với buồn lo những câu thơ được chưng cất từ xúc cảm của nhà thơ, thể hiện một trái tim cô đơn, băng giá một tâm hồn bơ vơ lạc loài đang tìm kiếm nơi ẩn náu, tìm kiếm những tiếng nói chung, đồng điệu. Cái đẹp tồn tại, ẩn hiện khắp hang cùng ngõ hẽm, nhưng người nghệ sĩ phải là người có tài năng đặc biệt cần mẫn như con ong chăm chỉ mới có thể phát hiện, xâu chuỗi những vẻ đẹp của đời thành những trang thơ, trang văn làm lay động trái tim người đọc, đó là tài năng đặc biệt của người nghệ sĩ mà với thiên phú của mình người nghệ sĩ ấy có thể bóc tách, phân tích văn vật để chưng cất cái đẹp đưa nó đến với độc giả, với con người: “Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của Samet làm ra để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối, cho chúng rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt”, cái đẹp như hạt bụi quý của đời mà mỗi người nghệ sĩ đã nhọc công gom góp tạo dựng qua những vân thơ câu chữ của mình. Nguyễn Tuân nổi tiếng là một người nghệ sĩ chuyên đi tìm cái đẹp, ông quan sát con người, quan sát sự vật ở phương diện, ở góc độ nghệ thuật, ông không miêu tả chỉ để miêu tả mà nhìn ngắm con người ở phương diện cái đẹp, dù họ làm bất cứ nghề gì nhưng phải thật xuất sắc, phải thật đẹp đó là vẻ đẹp ngang tàng khí phách của Huấn Cao khi dối mặt với những tên lính canh ngục, là vẻ đẹp của những nét chữ vuông vức trên tấm lụa bạch khi người nghệ sĩ ấy cho chữ trong khung cảnh tăm tối, ẩm mốc, đất bừa bãi phân, chuột phân gián, là cái đẹp kính cẩn nghiêng mình của quản ngục trước cái tài của tên tử tù. Tất cả được Nguyễn Tuân nhìn ngắm ở phương diện cái đẹp. Sau cách mạng cũng khai thác cái đẹp nhưng họ Nguyễn lại tìm kiếm nó ở tầng lớp lao động bình thường: đó là ông lái đò trên dòng sông Đà hiểm trở, cuộc đời của ông không được tính toán, đo đếm bằng vàng bạc mà được khẳng định qua những chuyến đưa đò trên sông Đà, dòng sông độc dữ ấy là cửa ải nguy hiểm mà mỗi lần đi qua ông lái đò đều phải gồng mình lên để đối mặt, đối với ông mỗi chuyến đưa đò là một lần khẳng định tài năng, sức mạnh phi thường kinh nghiệm sống của mình, Nguyễn Tuân đã phát hiện vẻ đẹp ấy ở những người dân lao động bình thường ở những con người chân chất thật thà. Đến với những trang văn của Thạch Lam người ta không thể nào quên hình ảnh Hai đứa trẻ với những ước mơ, hi vọng được gửi gắm qua chuyến tàu đêm. Chuyến tàu ấy đã đem đến một thế giới khác hẳn thế giới ngày thường mà hai chị em Liên và An đang sống, nói cách khác đó là thế giới tràn đầy ánh sáng, niềm tin, hi vọng để hai chị em thoát khỏi cảnh bần cùng, thoát khỏi hiện thực khô cằn buồn tẻ, không ước mơ, không hi vọng. Xây dựng chuyến tàu đêm tác giả Thạch Lam đã dụng công khi dồn tất cả tâm huyết và tài năng của mình để tạo nên điểm nhấn cho tác phẩm. Thạch Lam đã nhìn một cách sâu sắc tinh tế nội tâm của Liên, An để từ đó có thể lột tả một cách chân thực ước mơ khát vọng của hai đứa trẻ. Đó là vẻ đẹp giản dị, đời thường, vẻ đẹp khuất lấp trong thẳm sâu tâm hồn của những ước mơ khát vọng của con trẻ. Thạch Lam thực sự đã đem đến cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức để có thể lay động trái tim độc giả khiến độc giả đồng cảm với nỗi bất hạnh của hai đứa trẻ, thấu hiểu tường tận ước mơ được bứt phá được thoát khỏi cảnh bế tắc, bần cùng. Vẻ đẹp ấy có được khi tác giả phải ngắm nghía thật kĩ càng, phải hết sức thấu hiểu nội tâm trẻ thơ thì mới khai phá, mới xây dựng được chi tiết đắt giá cho tác phẩm. Như bông hoa sem thơm ngát mọc lên từ bùn đen, cái đẹp của văn học phải lay động, thức tỉnh trái tim con người, khiến con người có thể lắng lại tâm hồn mình để rung cảm trước những khung cảnh bình dị, đời thường. Bông hoa ấy luôn mang trong mình hương thơm ngát để có thể diểm tô cho cuộc sống này.

Cái đẹp của văn chương cũng vậy nó tiềm tàng ở những vật tầm thường đòi hỏi nhà văn, nhà thơ phải nắm bắt cho được cái đẹp ấy để gọt giũa đưa vào trong tác phẩm của mình, biến nó thành những trang đời thấm đẫm tình yêu cuộc sống. Ta hãy một lần lắng lại những cảm xúc tế vi của tâm hồn để thưởng thức những vần thơ hay những câu văn đẹp, để thưởng thức tài năng của người nghệ sĩ, để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp trong nghệ thuật được chưng cất từ những nhọc nhằn của đời, từ những buồn vui của người, Cái đẹp trong văn học mãi mãi sẽ cứu rỗi thế giới,mãi mãi sẽ làm thức tỉnh mài giũa những phẩm chất cao đẹp của con người như mục đích mà những người nghệ sĩ đang truy tìm và sáng tạo.
(Ekip Sách Văn 24h)

 

Tin Liên Quan